Kinh nghiệm cho bé ăn dặm các mẹ nên biết

"Khi nào có thể cho bé ăn dặm" và "Bữa ăn dặm đầu tiên của bé gồm những gì" là hai thắc mắc phổ biến với cha mẹ. Dưới đây là kinh nghiệm được nhiều người mẹ chia sẻ, khi tập cho con ăn dặm.

Hiện tại có một số phương pháp chủ yếu mà mình nghĩ các mẹ đều đang băn khoăn nên cho con áp dụng theo kiểu truyền thống, ăn dặm kiểu Nhật (ADKN) hay ăn dặm tự chỉ huy (BLW).

Mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm riêng, nên các mẹ cần nghiên cứu kĩ và mục đích các mẹ thực sự muốn hướng cho con là gì: Cân nặng hay thói quen ăn uống hoặc cả 2 thì quá tuyệt vời rồi phải không ạ!

> Xem thêm Cách chữa trị rôm sảy ngày nắng nóng cho bé các mẹ nên biết
> Xem thêm Tổng hợp các hạt dinh dưỡng dành cho bà bầu

1. Phương pháp truyền thống

• Thức ăn xay nhuyễn,

• Nấu hoặc trộn chung với nhau,

• Thường cho bé ăn quá nhiều chất đạm, béo trong giai đoạn đầu tập ăn (như nước xương ninh, thịt cua, cá ngay từ khi bé tập ăn giai đoạn 5-6 tháng).

• Không phân biệt những loại thức ăn và độ thô chế biến thức ăn cho từng giai đoạn.

• Ăn với số lượng lớn (1 bát hoặc 1 đĩa bột),

• Khi ăn bế bé ép ăn hoặc đi rong.

Ưu điểm:

• Bé có thể ăn với số lượng nhiều ngay từ những ngày đầu tập ăn, bé có thể tăng cân tốt khi mới tập ăn.

• Và đặc biệt gần như dễ được sự chấp nhận và ủng hộ của gia đình (nhất là các bà).

Nhược điểm:

• Quá chú trọng đến chất và lượng thức ăn được đưa vào cơ thể bé.

• Bé không có thời gian làm quen với từng vị thức ăn cũng từ đó bố mẹ không phát hiện bé có thể bị dị ứng với loại thức ăn nào.

• Không chủ động và tạo thú vui trong ăn uống, khi bị ép ăn nhiều bé sau đó 1 thời gian sợ ăn dẫn đến biếng ăn.

• Bé ăn với số lượng nhiều và quá nhiều chất đạm sẽ không hấp thụ hết và dễ bị đi ngoài hoặc táo bón.

• Bé không được tập ăn thô để tạo phản xạ nhai và nuốt cho bé ở các giai đoạn khác nhau.

• Thói quen ăn uống không tốt: vừa ăn vừa rong, vừa ăn vừa chơi, xem tivi….

2. ADKN

• Độ thô của thức ăn được điều chỉnh phù hợp với từng giai đoạn phát triển của bé.

• Khuyến khích không trộn chung nhiều loại thức ăn.

• Ăn với số lượng vừa phải

• Khi ăn đặt bé ngồi ghế không rong rẩy nhưng mẹ vẫn phải bón cho bé ít nhất đến 12 tháng trở đi.

Ưu điểm:

• Ưu điểm tuyệt vời nhất của ADKN là: Bé có thời gian làm quen với từng vị thức ăn cũng từ đó bố mẹ không phát hiện bé có thể bị dị ứng với loại thức ăn nào.

• Bé được tập ăn thô để tạo phản xạ nhai và nuốt cho bé ở các giai đoạn khác nhau.

• Khẩu phần và loại thức ăn phù hợp với giai đoạn phát triển của bé.

• Mẹ có thể chế biến thức ăn và trữ đông mà vẫn đảm bảo được mùi vị và chất lượng thức ăn, giúp mẹ nhàn hơn và chủ động hơn trong ăn uống

• Các món ăn của con đa dạng, đầy đủ nhóm chất, được thay đổi thường xuyên ở các giai đoạn khác nhau.

Nhược điểm:

• Nói gì thì nói thức ăn trữ đông, không thể thơm ngon như thức ăn chế biến ngay được.

• Con ăn số lượng không nhiều như ăn truyền thống cũng có thể ko tăng cân mạnh như phương pháp truyền thống ở giai đoạn đầu.

• Không phải gia đình nào cũng ủng hộ các mẹ chăm con theo phương pháp này.

3. BLW (Ăn dặm tự chỉ huy - Baby led weaning)

Đây là phương pháp được các mẹ Tây rất thích vì bé cực kì tự tập và tự quyết trong việc ăn uống, bé thích ăn gì, thích ăn bao nhiêu là do bé quyết định.

- Thức ăn được cắt, thái vừa miếng cho trẻ có thể tự cầm hoặc tự đút vào miệng với số lượng tùy bé, đưa 1 vài thứ cho bé chọn thích ăn cái gì thì ăn.

- Độ mềm cũng không qui định quá như ADKN

- Bé tự ngồi ăn, tự điều chỉnh, cầm đưa đồ ăn vào miệng nên tính tự lập trong ăn uống rất cao.

Ưu điểm:

• Bé có phản xạ nhai và nuốt cực tốt.

• Bé thích thú với việc ăn uống

• Mẹ nhàn không cần chế biến quá cầu kì vì thực đơn của con cũng gần giống như của gia đình.

• Tạo tiền đề tốt cho bé tự lập trong ăn uống giai đoạn sau này.

Nhược điểm:

• Không quá chú trọng đến chất và lượng thức ăn được đưa vào cơ thể bé.

• Trong quá trình ăn dặm mẹ phải cực kì vững tin để có thể áp dụng theo phương pháp này vì: bé dễ bị hóc nên những lúc ấy phải thật bình tĩnh xử lý. Nhiều khi bé vào giai đoạn biếng ăn sinh lý mẹ cũng ko được sốt ruột.

Nói chung nếu ngay từ giai đoạn 5-6 tháng mà theo phương pháp này thì mình đảm bảo ở Việt Nam chắc tỉ lệ các mẹ thành công là rất rất thấp vì chúng ta chịu áp lực tâm lý rất nhiều từ gia đình và chính các mẹ nữa.

Không cần áp dụng phương pháp Ăn dặm kiểu Nhật (ADKN), không luyện qua phương pháp ăn dặm tự chỉ huy (BLW), chỉ với kinh nghiệm của bản thân và áp dụng phương pháp "3 KHÔNG - 2 CÓ" các mẹ cũng không còn quá nhiều băn khoăn trước tình trạng ăn uống của con mình nữa rồi.

Qui tắc "3 KHÔNG"

- Không làm giúp con: Nếu bạn làm hộ con ngay cả việc cơ bản nhất như chuyện ăn uống, bạn sẽ phải làm hộ con tất cả những việc còn lại và vô tình tước đoạt đi sự tự lập, ham học hỏi của con trẻ. Do đó, mẹ nên để con tự xoay sở với bữa ăn của mình. Từ tháng thứ 5 - tháng thứ 6, hỗ trợ con dùng thìa múc thức ăn. Sau đó thì để cho con tự xử lý. Không thìa không khéo thì bốc, bốc bột không được thì bưng bát liếm, sau một thời gian kiên trì là con dùng thìa rất nhuyễn.

- Không ép con: Mình biết nhiều mẹ rất hay lo, chỉ cần thấy con ăn hơi ít hơn một chút là đã sốt vó lên rồi. Đó là "bệnh sướng quá". Vì sướng quá nên lúc nào cũng lo con đói, con gầy. Bản năng của trẻ cứ đói là ăn. Không ăn nghĩa là chưa đói. Đơn giản thế thôi. Thông thường biếng ăn tâm lý sẽ kéo dài đến 1 tuần (đó là khoa học bảo thế!). Có những bữa con bốc hết món này bôi trét ra bàn, bốc đến món khác chỉ để chơi mà không ăn một tí nào. Cứ như thế, kéo dài đến 1 tuần. 1 tuần sau, bé tự ăn trở lại bình thường một cách ngon lành, ăn không biết no.

- Không biến con thành robot: Thông thường các mẹ thu nhặt những phương pháp này kia được nhiều người chia sẻ, rồi về cứ thế áp 100% lên con mình, thay vì tìm hiểu xem con mình thích gì, có hứng thú với món nào, màu sắc thức ăn nào,... Chưa kể suất ăn của con còn thường trở thành "chiến tích" để khoe với những mẹ khác. Mẹ không "nuôi lợn con" nên không chỉ quan tâm đến mỗi chuyện ăn. Ăn ít ăn nhiều là tuỳ theo nhu cầu của từng bé.

Qui tắc "2 CÓ"

- Có thời gian dành cho con: Nhiều mẹ vẫn hay than vãn rằng công việc bận rộn, đâu phải ai cũng có thời gian để mà ngồi chờ con ăn xong. Thực ra thì người mẹ nào cũng bận rộn hết, không việc này thì việc kia. Chỉ cần bạn sắp xếp khéo léo một chút thì hẳn là không khiến bạn quá mất thời gian. Đổi lại, con càng lớn bạn sẽ càng nhàn nhã hơn. Nếu bạn ngại con dây bẩn phải dọn rửa, cứ sắm cho bé yếm ăn bằng nilon, ghế ăn bằng nhựa, hết giờ ăn lột yếm và mang ghế vào xối nước. Xong. Không mất thêm quá 1 phút. Còn trong bữa ăn tối đa 30 phút ấy, thay vì lo lắng việc con dây bẩn, mẹ nói chuyện với con về đồ ăn, màu sắc, mùi vị, kết cấu,... và ăn làm mẫu để bé thấy thức ăn ngon như thế nào.

- Có biết ăn ngon: Nghe thật buồn cười nhưng khẩu vị của con trẻ rất là tinh nhạy, thậm chí là còn hơn người lớn hẳn một bậc. Chúng ta thích ăn ngon, con trẻ cũng thế và còn hơn thế. Vì thế hãy nấu thật ngon, bày biện thật đẹp, chế biến riêng từng món rõ ràng, mùi vị khác nhau, trẻ sẽ cảm thấy thích thú với việc ăn uống hơn là tống tất cả thực phẩm vào trong một nồi rồi nấu nhừ lên. Thú thật, nếu là bạn, bạn có cảm thấy hứng thú với việc ăn một bát thức ăn như thế hay không?

Đấy chỉ là những qui tắc cơ bản nhất để "nhập môn" khi bạn quyết định cho con "ăn dặm kiểu Việt".

Hi vọng những chia sẻ này giúp ích cho các mẹ. Chúc các mẹ khỏe, đẹp, con ngoan!